Khánh Hòa: triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay toàn quốc có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người tử vong do HIV/AIDS. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 10 tháng năm 2022, cả nước phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, 1.378 bệnh nhân tử vong do AIDS.
Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2001 đến nay, thông qua việc triển khai các giải pháp can thiệp, Việt Nam đã cứu được hơn 960.000 người không để bị nhiễm HIV.
Hiện nay, xu hướng dịch HIV đang thay đổi hình thái lây nhiễm từ đường máu sang đường tình dục; nhóm trẻ tuổi nhiễm HIV tăng nhanh. Đáng lưu ý, số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (chiếm 48,6%) và 30 - 39 (chiếm 28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%); tỷ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm 84 - 86%). Một số địa phương, có 60 - 80% người nhiễm HIV được phát hiện thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống và được quản lý hơn 1.450 người. Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thành công nhiều mô hình can thiệp giảm tác hại dựa vào cộng đồng. Qua đó, đã duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tiếp cận cộng đồng triển khai công tác tư vấn, thử phản ứng nhanh HIV cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (mại dâm, nghiện chích ma túy, đồng tính nam có quan hệ tình dục...); phát bao cao su, kim tiêm sạch. Hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch, 1.300 lượt phụ nữ bán dâm và 1.000 lượt MSM được nhận bao cao su sạch. Đồng thời, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, ngành, dự án trong và ngoài nước, đến nay có khoảng 93% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân. Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh có gần 30.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Riêng 9 tháng năm 2022, có hơn 27.460 lượt người, qua đó phát hiện 108 người dương tính với HIV. Đến nay, 100% trạm y tế triển khai cấp thuốc ARV cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Toàn tỉnh có gần 1.200 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở, 2 điểm cấp phát thuốc cho gần 400 bệnh nhân. Ngành còn triển khai thành công mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được tư vấn, xét nghiệm HIV/năm. Thông qua mô hình này, 9 tháng năm 2022, có 7 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã được điều trị thuốc ARV kịp thời, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh và đa dạng về nội dung, trong đó mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sở, ban, ngành được triển khai và đạt hiệu quả cao. Thông qua hình thức truyền thông trực tiếp, đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hiểu rõ, hiểu đúng về HIV/AIDS và cách phòng, chống... Năm 2023, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã triển khai. Đồng thời, tập trung điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho đối tượng MSM.
Theo Bộ Y tế, dịch HIV tại Việt Nam hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Việc sử dụng và lệ thuốc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện chưa có hướng dẫn nội dung chi và định mức chi mà do từng địa phương tự xây dựng và phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền nên khó khăn. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn khó khăn…
Theo Bộ Y tế, để hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, rà soát và xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản dưới luật để triển khai Luật cũng như các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để có cơ chế và hướng dẫn cho các địa phương triển khai một cách hiệu quả và cập nhật nhất được các kinh nghiệm, khuyến cáo của thế giới. Cụ thể:
- Tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm, phạm nhân; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng; hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ; tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV.
Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV; đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, kết hợp với mở rộng cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm qua kênh thương mại.
Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Thí điểm và nhân rộng mô hình cấp phát thuốc điều trị mang về nhà. Đẩy mạnh các mô hình can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp, người sử dụng ma túy dạng kích thích Amphetamine (ATS) và người sử dụng đa ma túy; đồng thời mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân…
- Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng. Tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS, gồm lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Song song mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị là nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.
- Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị cho đến tận khi người nhiễm HIV tử vong. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, STI và giám sát hành vi lây nhiễm HIV phù hợp. Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM...
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS bao gồm tích hợp, lồng ghép các phần mềm, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý HIV/AIDS; đồng bộ dữ liệu về điều trị HIV/AIDS với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện; xây dựng cơ sở dữ liệu HIV/AIDS tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cảnh báo sớm, kiểm soát và đáp ứng y tế công cộng trong phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm HIV, điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...
- Đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Tường Huân
Tin tức liên quan
Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045
Quản lý trang thiết bị y tế
Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế
V/v áp dụng “Hộ chiếu vắc-xin” và các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ NGƯỜI MẮC COVID-19 TẠI NHÀ
Kết luận của UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 25/01/2022
Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/02/2022
Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 25/01/2022
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂN DẦN 2022
V/v hướng dẫn chẩn đoán điều trị, chăm sóc, theo dõi và quản lý người bệnh Hemophilia
V/v ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi"
V/v ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng"
Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19
Thu hồi thuốc Temozolomid Ribosepharm 100 mg
TĂNG CƯỜNG TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến 16h ngày 21/02/2022
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến 16h ngày 21/02/2022
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến 17h ngày 15/02/2022
Mời chào giá thuê xe vận chuyển viên chức, người lao động đi công tác các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Khánh Hòa
Mời chào giá thuê xe vận chuyển viên chức, người lao động đi công tác các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Khánh Hòa
Mời chào giá sửa xe ô tô
Mời chào giá thuê xe vận chuyển viên chức, người lao động đi công tác các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Khánh Hòa
Mời chào giá mua cơ số thuốc (lần 2)
Công văn số 310/BTTTT-ƯDCNTT ngày 10/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí đánh giá cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước